in 3D – không chỉ là in ấn, nó đã thành một phần cuộc sống!
in 3D từ lâu không còn là “công nghệ mới” nữa. Nó cũng đã trở thành 1 phần cốt yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 . Xung quanh mình ngày càng có thêm nhiều vật được làm ra bằng công nghệ in 3D. Không chỉ là những khối, những bộ phận lớn hay những thứ tinh vi mà cho tới những chi tiết, vật dụng đơn giản trong cuộc sống hàng ngày cũng được ra lò từ những chiếc máy in này.
Cách nay khoảng 40 năm về trước, những ai lần đầu tiên nghe tiếng phát ra trên radio, nhìn thấy hình mình trên một tấm giấy, hay xem những con người bé tí chạy nhảy trong chiếc hộp vuông vuông,… thì đã là một cái gì không thể tưởng tượng nổi. Đến ngày nay, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, đi bất cứ đâu chúng ta cũng có thể nghe thấy nhan nhản những TV 3D, Phim 3D, âm thanh 3D, hình 3D.
Tất cả những cụm từ trên đều dùng để chỉ những công nghệ tạo ảo giác hình khối lên thị giác và thính giác của con người, nhằm mô phỏng lại những gì ta có thể thấy và nghe được.
Công nghệ in 3D là gì?
Công nghệ in 3D hay công nghệ tạo mẫu nhanh là cách thức để thực hiện việc in 3D, hay cách thức để máy in 3D hoạt động. Ngày nay, công nghệ in 3D phát triển rất đa dạng. Mỗi sản phẩm 3D có thể được in ra với nhiều loại vật liệu khác nhau, vật liệu dạng khối, dạng lỏng, dạng bột bụi. Với mỗi loại vật liệu cũng có nhiều phương thức để in như sử dụng tia laser, dụng cụ cắt, đùn ép nhựa,… Cách thức in thì có in từ dưới lên, in từ đỉnh xuống.
Máy in 3D có thể là dạng máy in rải dây nóng chảy (Fused Deposition Modeling – FDM), hoặc giống như các máy in mực 2D nhưng có thêm một cái ống để chứa các giọt vật liệu được làm nóng chảy, sau đó từ giọt vật liệu nóng chảy ấy, một lớp của vật thể sẽ được tạo ra giống như trong bản vẽ. Hoặc đó có thể là máy in thiêu kết lazer chọn lọc (selective laser sintering – SLS), một lớp của vật thể sẽ được tạo ra bằng cách dùng tia lazer nung chảy “bột nguyên liệu”, hoặc có thể dùng công nghệ khác nữa.
3D trong công nghệ in 3D là một định nghĩa hoàn toàn khác! 3D trong trường hợp này là sản phẩm thật, vật thể thật mà ta có thể cầm trên tay, sờ mó, quan sát một cách chính xác. 3D ở đây là mọi thứ xung quanh ta, mà từ nguyên thủy đến hiện nay ta vẫn tiếp xúc hằng ngày, quá quen thuộc và… ta chẳng gọi nó là 3D làm gì.
Xem máy in 3D giá rẻ đang hoạt động:
Công nghệ in 3D có cần thiết?
Từ sản xuất công nghiệp đến y học, thẩm mỹ làm đẹp, máy in 3D hoàn toàn có thể khẳng định vai trò chủ đạo của mình. Máy in 3D giúp các bác sĩ tạo mô hình bộ phận cơ thể để rút ngắn thời gian hội chẩn và phẫu thuật chính xác hơn, đồng thời còn in ra các cơ quan thay thế: tay, chân, xương hàm, tương thích mức độ cao với cơ thể bệnh nhân. Hay như trong ngành nữ trang, những chiếc máy in 3D còn giúp tạo nhanh và chính xác các thiết kế, bỏ qua những công đoạn truyền thống trước đây và đưa ra sản phẩm cuối cùng,…
Việc ứng dụng của công nghệ này vào mỗi doanh nghiệp trở nên dễ dàng và gần gũi với sự phát triển nở rộ của công nghệ in 3D tại thị trường trong nước. Máy in 3D với công nghệ tiên tiến được cập nhập trên thế giới có thể giúp bộ phận R&D của doanh nghiệp rút ngắn thời gian tạo mẫu Prototype, tăng độ chính xác cho vật thể in, tiết kiệm chi phí đầu tư và đáp ứng được nhu cầu thị trường cạnh tranh hiện nay. Doanh nghiệp hay cá nhân khi sở hữu một chiếc máy in 3D chắc chắn sẽ cải tiến phương thức sản xuất; bên cạnh đó, còn phát huy khả năng sáng tạo và góp phần tăng trưởng năng suất lao động.
Việc trang bị một chiếc máy in 3D tại nơi làm việc hoàn toàn cho phép bạn tạo nhanh các vật mẫu mà không cần mất hàng tuần cho việc đặt hàng tại các cơ sở gia công trong khi chất lượng chi tiết không được đảm bảo. Với bản vẽ thiết kế 3D và chiếc máy in 3D cùng vài thao tác thực hiện đơn giản là bạn đã có vật mẫu in sau vài giờ, đồng thời các thông số kỹ thuật từng chi tiết có thể đạt mức chính xác gần như tuyệt đối.
Máy in 3D không chỉ phục vụ các sinh viên kiến trúc, đồ họa mà còn có thể áp dụng cho những nhà nghiên cứu, kĩ sư, giảng viên hay bất kỳ cá nhân nào có nhu cầu in tạo mẫu 3D. Ví dụ như các giảng viên có thể sử dụng máy in 3D để in ra các chi tiết máy cho sinh viên của mình tiếp cận thực tế mẫu vật trong các tiết học để tăng cường khả năng thu nhận kiến thức của sinh viên, từ đó kiến thức sẽ không còn là hình ảnh vẽ trên sách vở. Hay những kĩ sư có thể sử dụng máy in 3D in nhanh các mẫu mock-up máy móc và chi tiết máy để phục vụ khách hàng nhanh nhất với chất lượng tốt nhất.
Có sản phẩm in 3D tiêu cực?
Sự phổ biến của công nghệ in 3D cũng có mặt trái của nó. Kẻ xấu có thể sử dụng để tự làm ra vũ khí, đe dọa trật tự xã hội và an ninh đất nước. Tạp chí The National Interest (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia cảnh báo các loại vũ khí có thể được sản xuất tại nhà dễ dàng, sẽ khiến chính quyền các nước phải xem lại toàn bộ quy định kiểm soát vũ khí.
Vào giữa tháng 6 qua, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ 9 người bị tình nghi chế tạo thuốc nổ trước thềm cuộc bỏ phiếu về cải cách bầu cử. Trong số vật dụng bị thu giữ có máy in 3D.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Illinois (Mỹ) cho biết máy in 3D có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe khi sử dụng trong nhà. Khí thải từ máy in 3D để bàn tương đương đốt một điếu thuốc lá hoặc nấu nướng trên lò gas hay điện. Đó là chưa kể đến chuyện những khoảng trống trong máy in 3D có thể là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn một khi người dùng không vệ sinh kỹ càng.
Theo một số nghiên cứu, máy in 3D hiện vẫn còn “ngốn” khá nhiều điện nên tốt hơn chỉ nên sử dụng ở quy mô nhỏ. Ngoài ra, những mẫu máy in 3D phổ biến nhất đang sử dụng vật liệu là sợi nhựa, đi ngược lại làn sóng kêu gọi bớt phụ thuộc vào chất dẻo để bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tác động của công nghệ in 3D trong thị trường lao động cũng có hai mặt: Có thể đe dọa đến người lao động trong các lĩnh vực sản xuất nhưng lại thúc đẩy nhu cầu về người có kỹ năng với máy móc 3D. Theo nghiên cứu của Công ty Wanted Analysis tại Mỹ, nhu cầu tuyển dụng người có kỹ năng về in 3D đã tăng 103% từ tháng 8/2013 đến tháng 8/2014.
Những điều không thể tin được từ công nghệ in 3D
Tuy có khá nhiều điểm cần cân nhắc trong việc ứng dụng công nghệ này đại trà, nhưng thực tế đã cho thấy, công nghệ in 3D đã được sử dụng vào nhiều công việc có ích. Như: lần đầu tiên “in” được hai động cơ máy bay vào tháng 2 qua ở Úc, hay làm tay giả cho bé Faith Lennox (7 tuổi, sống tại bang California, Mỹ) hồi tháng 4/2015.
Công ty MX3D chuyên in 3D (có trụ sở tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan) công bố sắp ứng dụng công nghệ này để xây chiếc cầu bắc qua một con kênh tại địa phương. Theo báo The Guardian (Anh), dự án dự kiến bắt đầu vào tháng 9 tới, trong đó một máy in 3D tích hợp cánh tay robot được sử dụng để “in” các kết cấu thép theo định dạng 3D.
Trước đó, vào tháng 3-2014, Công ty Kỹ thuật Thiết kế trang trí Doanh Sáng (Trung Quốc) đã xây thành công ngôi nhà bằng công nghệ in 3D mà không gây huyên náo hay có tí bụi bặm nào, không hề có khí thải carbon, công nhân cũng ít tiếp xúc với chất độc hại hơn. Việc sử dụng công nghệ in 3D mang lại hiệu quả rất cao cho dự án, như giúp giảm 30%-60% chất thải xây dựng, 50%-70% thời gian sản xuất và 80% chi phí lao động.
Hãng Divergent Microfactories vào ngày 25/6 đã giới thiệu chiếc Divergent Microfactories Blade mang thiết kế vị lai, mượt mà và vô cùng bắt mắt. Mẫu xe này dùng động cơ sử dụng nhiên liệu hỗn hợp và có công suất tới 700 mã lực, nhưng điều đáng nói nhất là quá trình sản xuất được thực hiện bằng công nghệ in 3D.
Động cơ 700 mã lực có thể sử dụng được cả hai loại nhiên liệu là xăng và khí nén tự nhiên (CNG), có thể giúp xe tăng tốc từ 0 lên 100km/h trong thời gian dưới 2.5 giây. Điều này đạt được là lo xe có tổng khối lượng chỉ 635kg, nhẹ hơn rất nhiều so với các loại siêu xe đình đám nhất trên thế giới hiện nay.
Tất cả những sản phẩm trên đều cho thấy công nghệ in 3D vẫn có một hướng đi riêng của nó và có thể sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai!
Liệu dự đoán về công nghệ in 3D năm 2017 có còn chính xác?
( Theo techky)